“Ông hoàng phòng vé” Thái Hòa trở lại màn ảnh rộng với bộ phim Cái Giá Của Hạnh Phúc – được so sánh là Penthouse bản Việt. Liệu Thái Hòa có “cứu” được drama 18+ này không, hãy cùng review phim Cái Giá Của Hạnh Phúc ngay nhé.
Thông tin phim Cái Giá Của Hạnh Phúc
- Đạo diễn: Nguyễn Ngọc Lâm
- Diễn viên: Xuân Lan, Thái Hoà, Lâm Thanh Nhã, Uyển Ân, Hữu Châu, Trâm Anh, Trương Thanh Long, Quang Minh, Bé Quyên,…
- Thể loại: Tâm lý, tình cảm, chính kịch
- Khởi chiếu: 19/04/2024
- Thời lượng: 115 phút
- Ngôn ngữ: Tiếng Việt – Phụ đề Tiếng Anh
- Rated: R18+
Nội dung chính phim Cái Giá Của Hạnh Phúc
Cái Giá Của Hạnh Phúc xoay quanh một gia đình doanh nhân giàu có gồm ông Võ (NSƯT Hữu Châu), con gái là Dương (Xuân Lan), con rể Thoại (Thái Hòa) cùng hai đứa cháu là Will (Lâm Thanh Nhã) và Nina (Uyển Ân). Vì tuổi cao sức yếu, ông Võ để lại tập đoàn cho Thoại quản lý. Nhìn bề ngoài, họ là một gia đình chuẩn mực. Thoại được nhận danh hiệu “Người đàn ông của năm” khi lúc nào cũng yêu thương gia đình, luôn tặng hoa cho vợ mỗi ngày. Dương là một influencer (người truyền cảm hứng) nổi tiếng hay nói về chuyện vun vén tổ ấm. Biến cố ập đến khi Dương phát hiện ra chồng cặp bồ rất nhiều ở bên ngoài. Từ đây mà hàng loạt bí ẩn khác dần được hé lộ.
Trailer phim Cái Giá Của Hạnh Phúc
Cái Giá Của Hạnh Phúc: Drama hay nhưng hơi quá đà
Những bộ phim làm về gia đình đại gia, chồng ngoại tình không hề hiếm trên màn ảnh rộng Việt Nam. Đơn cử như Quý Cô Thừa Kế 2 vừa ra mắt gần đây có rất nhiều điểm tương đồng với Cái Giá Của Hạnh Phúc. Tiếc thay, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm vẫn chưa thoát khỏi điểm yếu chết người ở khâu kịch bản. Điểm sáng khiến người xem nhớ đến có lẽ là diễn xuất của Thái Hòa mà thôi.
Cái Giá Của Hạnh Phúc xoay quanh câu chuyện về một gia đình thượng lưu – nhà họ Võ. Hình ảnh mà gia đình xây dựng khiến bao người phải ngưỡng mộ khi ngoài sự giàu có, gia đình họ còn được hâm mộ bởi sự hạnh phúc, nền tảng giáo dục, đạo đức tốt.
Ông Đinh Công thoại do nam diễn viên Thái Hòa thủ vai cùng vợ là bà Dương do siêu mẫu Xuân Lan đảm nhận có với nhau hai người con là will và Nina. Cứ ngỡ rằng vợ chồng hạnh phúc gia đình ấm êm yên bình là vậy, ai ngờ đâu bên dưới bức tranh tưởng chừng hạnh phúc ấy, tất cả các thành viên trong gia đình đều có cảm giác ngột ngạt và tù túng bởi những ràng buộc và quy tắc, yêu cầu hoàn hảo về mọi mặt. Và mọi chuyện chỉ bắt đầu vỡ lở khi vào đêm tân hôn của cậu con trai khi bà Dương phát hiện người chồng của mình lại ngoại tình với chính con dâu. Đáng sợ hơn, người chồng mẫu mực đó không chỉ cặp kè 1 cô mà còn thêm 5, 7 cô đào, người mẫu, chân dài khác khiến bức tranh gia đình hoàn hảo của bà Dương bỗng tan vỡ.
Ngay sau đó, drama càng lúc càng dồn dập với một đống bí ẩn dơ bẩn đen tối mà chồng, con trai và cả con gái đang cố che giấu bị phơi bày, bà Dương rơi vào tuyệt vọng. Nhưng rất nhanh, người phụ nữ mạnh mẽ, kiểm soát này đã lập kế hoạch “chỉnh đốn” để đưa gia đình mình về quỹ đạo ban đầu bằng những kế hoạch tỉ mỉ, tàn nhẫn.
Bên cạnh việc khai thác đề tài mâu thuẫn xung đột trong một gia đình giàu có, Cái Giá Của Hạnh Phúc còn tiết lộ những câu chuyện về tình yêu và danh vọng trong giới thượng lưu, showbiz nơi tình tiền đi liền với nhau. Điều này cho thấy kịch bản lẫn thông điệp muốn truyền tải của Cái Giá Của Hạnh phúc không mới. Nó là một sự tổng hợp chắp vá và học hỏi từ nhiều bộ phim khác nhau như bối cảnh thượng lưu trong Penthouse, Parasite hay những bí mật đen tối bị lột trần trong Tiệc Trăng Máu…
Với 115 phút, phim tạo cảm giác dông dài do nhịp chậm, thiếu cao trào. Ở phim điện ảnh đầu tay, đạo diễn Ngọc Lâm chọn cách dồn bất ngờ (plot twist) vào 5 phút cuối phim, dành thời lượng trước đó để cài cắm các tình tiết. Tuy nhiên, điều này làm giảm sức hút của tác phẩm khi phần lớn câu chuyện được giới thiệu thông qua trailer.
Đạo diễn lạm dụng nhiều yếu tố bi kịch theo hình thức melodrama (kịch tâm lý) để lấy nước mắt người xem. Bên cạnh câu chuyện chính về hôn nhân của Dương, mối tình của Will và bạn trai là tuyến phụ, được lồng ghép để gửi thông điệp sống thật với cộng đồng LGBT. Dù vậy, các phân đoạn về đôi nhân vật này bị khai thác theo môtíp với nhiều cảnh khóc sướt mướt, chưa thuyết phục để người xem tin vào chuyện tình trong phim.
Điểm sáng trong phim Cái Giá Của Hạnh Phúc là truyền tải những ẩn ý tích cực về giá trị của người phụ nữ và những điều mà họ nên theo đuổi. Phụ nữ hãy giữ lấy hạnh phúc của riêng mình thay vì lao vào một cuộc đua đấu xé lẫn nhau để giành lấy người đàn ông không xứng đáng, cũng đừng quá quan tâm ánh mắt người đời mà ép bản thân và gia đình vào nhà tù của sự hoàn hảo.
Diễn xuất Thái Hòa, Xuân Lan “gánh” phim
Là bộ phim điện ảnh đầu tay nhưng siêu mẫu Xuân Lan trong vai diễn nặng tâm lý như bà Dương, từ ánh mắt sắc lẹm đến sự thanh lịch nhưng đanh thép khi nói chuyện với tiểu tam, thật sự không có chỗ nào để chê.
Xuân Lan như sống trong nhân vật bà Dương chứ không phải đang diễn xuất. Cô cũng từng tiết lộ bản thân lấy chất liệu từ chính cuộc đời mình để nhập vai nên bà Dương trong Cái Giá Của Hạnh Phúc hiện lên cực kỳ sinh động, ấn tượng và chạm tới cảm xúc của khán giả ở cả những phân đoạn hạnh phúc hay đau khổ, thậm chí điên cuồng khi trả thù cũng không khiến người xem ghét bỏ.
“Ông hoàng phòng vé” Thái Hòa, ra phim nào hot phim đó, đóng phim nào “gánh” phim đó. Dù diễn với ai, trẻ hay già, kịch bản hài nhảm hay tâm lý nặng đô, Thái Hòa vẫn có thể “cân đẹp” mà mang cả bạn diễn lẫn bộ phim tỏa sáng.
Trong Cái Giá Của Hạnh Phúc, Thái Hòa vào vai ông Đinh Công thoại. Đây là một người đàn ông hoàn hảo, vừa thành đạt trong sự nghiệp vừa yêu chiều vợ con hết mực. Tuy nhiên tựa như bể nổi của một tảng băng chìm, “lắm tài thì nhiều tật”, ông Thoại chính là một gã đàn ông ngoại tình 7 ngày/tuần, thay bồ như thay áo….Thế nhưng dù với Xuân Lan hay với các nữ diễn viên phụ đóng vai tiểu tam, phản ứng hóa học của Thái Hòa đều rất tốt, hài hòa chứ không gượng gạo hay thô thiển, khiến khán giả ghét nhân vật nhưng lại cực thán phục diễn xuất của Thái Hòa.
Bên cạnh đó, diễn biến tâm lý từ khi đứng trên đỉnh danh vọng tiền tài, đến khi khủng khoảng vì làm chuyện sai trái và khi mất hết tất cả, Thái Hòa khiến khán giả càng thêm nẻ phục vì diễn xuất quá mượt mà, đầy cảm xúc.
Em gái Trấn Thành – Uyển Ân sau khi rời “vũ trụ điện ảnh” của anh trai thì diễn xuất chưa có điểm nhấn ấn tượng. Vai diễn con gái của cô chưa có sức nặng, nhiều câu thoại vẫn đậm mùi “triết lý” làm người xem nhớ về Trấn Thành nhiều hơn. Còn nam diễn viên mới nổi Lâm Thanh Nhã trong vai Will Võ thì lại gây thất vọng vì lời thoại, diễn xuất đều cực kỳ sống sượng, mang tính kịch quá nhiều. Đặc biệt việc nhân vật Will là người đồng tính nhưng phải cưới vợ để che giấu bí mật của bản thân khiến Lâm Thanh Nhã càng gồng hơn, theo cách không cần thiết và rất chối mắt. Yếu tố LGBT cũng không phải ý tưởng hay để đem vào bộ phim Cái Giá Của Hạnh phúc vì nó vốn dĩ đã ôm đồm quá nhiều mâu thuẫn rồi.
Kết luận
Cái Giá Của Hạnh Phúc là bộ phim được xây dựng chỉn chu về hình ảnh, lớp lang về kịch bản và diễn xuất được bù trừ. Tuy nhiên, bộ phim thiếu đi chiều sâu một cách lạ thường, cú plot twist cuối phim gây bất ngờ, tạo cao trào và điểm nhấn cho phim nhưng lại quá tàn nhẫn và bi kịch khiến khán giả không thoải mái. Phần đầu thì hình ảnh kể chuyện, nhưng phần sau thì nặng lời thoại đậm chất kịch.
So với mặt bằng chung phim điện ảnh Việt Nam hiện nay, bạn vẫn có thể tin tưởng vào Thái Hòa và chọn Cái Giá Của Hạnh Phúc để trải nghiệm. Nhưng nếu kỳ vọng vào một tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, khiến bạn phải trầm trồ và thỏa mãn thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại.
Mình sẽ rất cảm kích nếu các bạn chia sẻ cho mình những suy nghĩ của bạn về bài viết này, hãy để lại comment nhé.