Uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống là một đức tính quý giá của con người. Tham khảo những bài nghị luận về về ý nghĩa của lòng biết ơn để hiểu rõ cách thể hiện lòng biết hơn cha mẹ, biết ơn thầy cô, biết ơn những người đã giúp đỡ mình…bạn nhé.

Lòng biết ơn là gì?

Lòng biết ơn là việc đánh giá cao những giá trị, những thứ mà mình có bao gồm cả những giá trị về vật chất và tinh thần. Lòng biết ơn được hiểu nôm na là việc chúng ta biết ơn những người, những sự việc đã giúp đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn hay đơn giản là cho chúng ta sự sống này.

Lòng biết ơn là gì? (Ảnh: Internet)

Và lòng biết ơn có một mối quan hệ mật thiết với lòng tốt, sự biết ơn của một người sẽ cổ vũ người khác làm việc tốt. Những người làm việc tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến những người được giúp đỡ, giúp họ có niềm tin và cũng sẽ làm theo những điều thiện lành.

Như đã nói thì lòng biết ơn là một truyền thống quý báu và có nguồn gốc lâu đời của dân tộc Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Lòng biết ơn có nguồn gốc xuất phát từ việc giúp đỡ người khác và cảm mến những gì người khác đã giúp đỡ mình.

Xét về mặt khoa học thì theo các nghiên cứu chỉ ra những khu vực não có thể thể hiện lòng biết ơn. Cụ thể là đại não của những người được kích thích bởi sự biết ơn sẽ hình thành những thay đổi lớn ở vỏ não phía trước trán. Từ đó có thể góp phần làm tăng sự nhạy cảm về lòng biết ơn trong tương lai. Có thể nói là những người có lòng biết ơn sẽ rất dễ cảm thấy yêu đời và hình thành nhân phẩm tốt sau này.

Ý nghĩa của lòng biết ơn

Đến bây giờ chắc hẳn bạn đã biết lòng biết ơn là gì rồi đúng không? Vậy thì sự biết ơn đó sẽ mang lại những ý nghĩa và lợi ích gì cho bản thân và xã hội? Một số lợi ích của lòng biết ơn mà bạn không thể bỏ qua:

Ý nghĩa của lòng biết ơn (Ảnh: Internet)

Cải thiện sức khỏe

Theo những nghiên cứu khoa học thì việc duy trì và thực hành thói quen biết ơn sẽ làm con người cảm thấy vui vẻ và khoẻ mạnh hơn. Kèm với chế độ ăn điều độ, khám sức khỏe thường xuyên và tập thể dục có thể giúp con người kéo dài tuổi thọ.

Ngoài những tác động tích cực về thể chất thì lòng biết ơn còn có những lợi ích về mặt tinh thần. Việc giảm bớt những suy nghĩ trạng thái tiêu cực như tức giận, oán hận, ghen tị,…. sẽ làm giảm đi các bệnh về não, giúp não và tim khỏe mạnh hơn. Việc thực hành và duy trì lòng biết ơn sẽ giúp giảm đi rất nhiều năng lượng tiêu cực và giả tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm.

Nâng cao sự tự tin

Một trong những nghiên cứu để chỉ ra mối liên hệ giữa lòng biết ơn và sự tự tin được thực hiện ở những vận động viên. Khi vận động viên cảm thấy biết ơn với những người thầy người cô huấn luận viên của mình, thì có sẽ tự tin, nỗ lực cao hơn từ đó đạt được hiệu suất tốt nhất.

Bên cạnh đó, khi bạn không thấy ghen tị với những người có tiền mà thay vào đó là sự biết ơn thì bạn sẽ nỗ lực nhiều hơn để thành công nhiều hơn họ. Từ đó, sự biết ơn có thể làm tăng khả năng tự tin giúp chúng ta thành công hơn trong mọi công việc.

Sponsor
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần

Lòng biết ơn được biết đến như là một liều thuốc tốt trong việc điều trị những vết thương của “quá khứ”. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thương binh từng phục vụ chiến tranh tại Việt Nam có lòng biết ơn cao sẽ có tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm lý sau chấn thương ít hơn những người khác. Những nhận thức về việc biết ơn những gì bạn may mắn đang có sẽ làm giảm đi những suy nghĩ căng thẳng về sự xui xẻo trong quá khứ.

Củng cố và mở rộng mối quan hệ

Việc thể hiện lòng biết ơn hay nói lời cảm ơn không những chỉ giúp thể hiện tinh thần và đạo đức tốt, nó còn còn giúp kết bạn và thắt chặt mối quan hệ hơn. Khi một người giúp đỡ người khác và nhận được lời cảm ơn, họ sẽ thấy vui vẻ và thân thiện hơn với người kia. Việc cảm ơn sẽ cho phép bạn tiến đến giữ mối quan hệ keo sơn gắn bó lâu dài hơn cũng như sẽ mở ra cho bạn những cơ hội mới mẻ hơn.

Gia tăng sự đồng cảm, giảm bớt thái độ thù địch

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng lòng biết ơn được đặc trưng bởi những người có cư xử đúng mực dù cho những người xung quanh đối xử kém với họ. Điều này sẽ giúp các mối quan hệ không bị đổ vỡ cũng như tránh được những xung đột không đáng có. Vì vậy một người có lòng biết ơn sẽ dễ đồng cảm và ít gây thù chuốc oán hơn.

Làm cho cuộc sống thêm phong phú

Việc biết ơn yêu đời sẽ làm cuộc sống bạn dần trở nên phong phú và muôn màu muôn vẻ hơn. Khi một người có lòng biết ơn, họ sẽ cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những điều nhỏ nhặt để từ đó yêu thêm từng giây từng phút được sống hơn. Họ sẽ có thời gian yêu cũng như khám phá thế giới rộng lớn này, từ đó giúp cuộc sống an nhiên và phong phú hơn.

Tăng cường chất lượng giấc ngủ

Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2011 cho biết sự ảnh hưởng tích cực của lòng biết ơn đối với giấc ngủ. Bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 15 phút mỗi ngày để viết hoặc nghĩ về sự biết ơn trong ngày đó, bạn sẽ ngủ ngon và sâu hơn. Khi nghĩ về sự biết ơn, não sẽ tiết ra chất giúp xoá đi những suy nghĩ tiêu cực, làm cho hệ thần kinh thư giãn và ngủ ngon hơn.

Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn

Sơ đồ tư duy nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn (Ảnh: Internet)

Dàn ý chi tiết số 1

1.Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: đạo lí của lòng biết ơn.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2.Thân bài

a.Giải thích

Biết ơn: cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình.

b.Phân tích

Biểu hiện của lòng biết ơn:

  • Nói “cảm ơn”, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn.
  • Giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với bất kì ai.
  • Khi nhận ơn nghĩa của người khác thì biết truyền tải đi những thông điệp tốt đẹp.

Lợi ích, ý nghĩa của lòng biết ơn:

  • Việc nhận ơn nghĩa từ người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, vượt qua được những khó khăn trước mắt, từ đó sống tốt hơn.
  • Mỗi con người sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm hơn và gắn bó với nhau nhiều hơn.
  • Lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác, truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội.

c.Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người có lòng biết ơn để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu và xác thực, được nhiều người biết đến.

Gợi ý: các học sinh của cụ giáo Chu Văn An dù trưởng thành và có địa vị trong xã hội vẫn không quên ơn nghĩa dạy dỗ của thầy, vào ngày mừng thọ thầy, họ vẫn tề tựu đông đủ, kính cẩn với thầy.

d.Phản biện

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người lạnh lùng vô cảm, nhận được sự giúp đỡ, ơn nghĩa của người khác nhưng ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đứng nhìn người khác gặp hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.

3.Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: đạo lí của lòng biết ơn. Rút ra bài học, liên hệ thực tiễn đến bản thân mình.

Dàn ý chi tiết số 2

Sơ đồ tư duy nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn (Ảnh: Internet)

I.Mở bài:

Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

Từ xa xưa, ông bà ta có câu “uống nước nhớ nguồn”, một câu nói dạy bao thế hệ về lòng biết ơn. Lòng biết ơn là một đức tính cao quý và đẹp của con người. Truyền thống về lòng biết ơn đã được bao đời thế hệ cha ông gìn giữ và phát huy. Để tiếp nối ông cha thì thế hệ trẻ cũng đã gìn giữ nét đẹp để hiểu thêm về lòng biết ơn, chúng ta cùng đi tìm hiểu về “Lòng biết ơn”.

II.Thân bài:

*Giải thích thế nào là “lòng biết ơn”?

Lòng biết ơn là sự ghi nhớ công ơn, tình cảm mà người khác mang lại cho mình. Những hành động, việc làm mà họ hi sinh để mang lại niềm hay hạnh phúc hay niềm vui cho mình.

*Biểu hiện của lòng biết ơn

  • Luôn ghi nhớ công ơn của họ trong long
  • Có những hành động thể hiện sự biết ơn
  • Luôn mong muốn đền đáp công ơn của những người đã giúp đỡ mình

*Tại sao phải có lòng biết ơn?

  • Vì đó là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời xưa.
  • Lòng biết ơn là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người.
  • Mỗi công việc chúng ta thành công không phải tự nhiên mà có, dù lớn hay nhỏ cũng có sự giúp đỡ của ai đó, vậy nên ta cần phải có lòng biết ơn.

*Mở rộng vấn đề

Có một số người hiện nay không có lòng biết ơn.

VD: Ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, …

III.Kết bài:

Nêu cảm nghĩ về lòng biết ơn

Nêu những công việc và thể hiện lòng biết ơn.

Đoạn văn nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn

Đoạn văn 1

Biết ơn là đạo lí tốt đẹp của người Việt Nam ta được kế thừa và phát huy qua bao thế hệ. Biết ơn là việc ghi nhớ, trân trọng và tấm lòng tri ân công lao của những người đã giúp đỡ, những người đã đóng góp công sức để mang đến cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta. Lòng biết ơn giúp gắn kết giữa con người với con người, phát huy được lối sống đẹp, nhân ái của dân tộc. Học sinh chúng ta cần biết trân trọng, biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà, biết tri ân công lao dạy dỗ của thầy cô, ghi nhớ công lao dựng và giữ nước của cha anh đi trước. Cùng với tấm lòng biết ơn chân thành, chúng ta cần thể hiện sự biết ơn ấy thông qua những hành động thiết thực: chăm sóc, hỏi thăm, giúp đỡ….Với những hành động vô ơn, vong ơn bội nghĩa chúng ta cần phê phán, loại trừ. Người sống tình nghĩa, có lòng biết ơn sẽ được mọi người yêu quý, trân trọng, ngược lại nếu không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ trở thành những kẻ ích kỉ, sống vô ơn, những mối quan hệ xã hội vì vậy cũng bị rạn nứt. Chúng ta hãy sống tình nghĩa, biết ơn và trân trọng những thành quả, những con người đã mang đến cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp như hiện nay.

Đoạn văn 2

Lòng biết ơn là một trong những vẻ đẹp của đạo lý dân tộc. Lòng biết ơn thể hiện phẩm chất đạo đức cần phải có ở mỗi một chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta mang ơn cha mẹ, thầy cô, những người lao động làm ra sản phẩm cho chúng ta dùng… Công ơn của thế hệ đi trước đã cho ta bầu trời tự do và cuộc sống yên bình. Lẽ nào ta sống mà quên ơn những người vì hạnh phúc của mình? Biết ơn sẽ làm cho cuộc sống mỗi người tốt đẹp hơn. Ai cũng sẽ có những hành động tốt đem lại niềm vui cho người khác. Lòng biết ơn là cơ sở bền vững cho những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, thương dân, hiếu thảo với cha mẹ, kính yêu thầy cô… Quả như cha ông ta đã nhắc nhở: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chúng ta luôn học tập và thể hiện sâu sắc ý nghĩa của sự biết ơn trong cuộc sống thường nhật của mình.

Đoạn văn nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn (Ảnh: Internet)

Đoạn văn 3

Một trong những đức tính quý báu của con người Việt Nam đó là truyền thống về đạo lý của lòng biết ơn. Biết ơn là sự ghi nhớ, trân trọng những gì mình nhận được từ người khác từ đó có những hành động thiết thực để đền đáp công ơn đó. Người có lòng biết ơn là người có những việc làm và hành động thiết thực đẹp đẽ. Lòng biết ơn của con người Việt Nam được thể hiện ở tục thờ cúng ông bà tổ tiên, những hành động hướng về, tri ân những người có công với đất nước như: ngày thương binh liệt sĩ, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày bác sĩ Việt Nam,… những ngày này con người ta tưởng nhớ về nhau, dành cho nhau những lời chúc, những món quà và những điều tốt đẹp nhất. Lòng biết ơn của con người giúp đất nước phát triển nhân văn hơn, giàu tình cảm hơn. Là một người học sinh, tương lai tươi sáng của đất nước, mỗi chúng ta ngay từ bây giờ hãy tích cực trau dồi và rèn luyện đức tính biết ơn để sau này trở thành một con người vừa có tài lại vừa có đức xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông đi trước.

Đoạn văn 4

Lòng biết ơn luôn là thái độ sống cần phải nâng niu và trân trọng, đó không chỉ là truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà bản thân mỗi người phải nhận thức được điều này để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, lòng biết ơn mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng giữa người với người. Lòng biết ơn được biểu hiện trên nhiều khía cạnh như biết ơn cội nguồn, biết ơn những người sinh thành, giáo dưỡng, biết ơn những thế hệ đi trước, biết ơn cả những người giúp đỡ ta những lúc khó khăn, thất bại… Lòng biết ơn không chỉ đến từ những người, những việc lớn lao mà còn xuất phát từ những điều rất nhỏ. Đây là điều mỗi người cần ghi nhớ, để trân quý, để đáp lại bằng những hành động cụ thể với tất cả tấm lòng. Bên cạnh đó, có rất nhiều người đã chà đạp lên thành quả của xã hội, không coi trọng những gì mình đang có, điều đó đồng nghĩa với việc không coi trọng thế hệ đi trước đã dựng xây và cống hiến. Họ không ý thức, không biết nâng niu và trân trọng cuộc sống. Cho nên, đối với thế hệ trẻ ngày nay thì rèn luyện, bồi đắp lòng biết ơn là điều cần thiết để không quên cội nguồn, nhắc nhở bản thân trân trọng thành quả của quá khứ.

Đoạn văn 5

Hơn cả một phẩm đức, biết ơn là một đạo lí, một cách sống, là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Biết ơn là sự bày tỏ thái độ trân trọng, tình cảm và những việc làm đền ơn, đáp nghĩa đối với những người đã giúp đỡ mình với những người có công với dân tộc, đất nước. Sống có lòng biết ơn tạo nên mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh giữa con người với con người, thể hiện lối sống nhân văn cao cả. Học sinh cần phải có lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô bỏi họ đã có công ơn sinh thành, chăm sóc và giáo dục chúng ta nên người. Công ơn ấy cao rộng như sông núi. Người sống có lòng biết ơn sống ân tình, thủy chung, luôn được người khác yêu mến và kính trọng. Để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với người khác, phải luôn ghi nhớ đến công ơn của người khác đối với mình; làm những việc làm thể hiện sự biết ơn như: cảm ơn, chăm sóc, thăm hỏi, giúp đỡ… Đồng thời, phê phán những hành động vô ơn, bội nghĩa diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Người sống không có lòng biết ơn chỉ biết đến bản thân mình, sống ích kỉ, vô ơn, luôn bị người khác xa lánh, khinh bi, dễ thất bại trong cuộc sống này.

Đoạn văn 6

Trong cuộc sống, lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hoàn thiện và phát triển nhân cách con người. Lòng biết ơn là tấm lòng tri ân, luôn ghi nhớ công ơn nuôi dạy, giúp đỡ của người khác với mình. Lòng biết ơn được biểu hiện ở cả trong suy nghĩ lẫn những hành động từ cụ thể đến lớn lao. Đó là suy nghĩ, thái độ trân trọng, kính mến, là hành động trả ơn, báo đáp công ơn của bản thân với những người có ơn với mình. Cụ thể, đất nước Việt Nam đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng những ngày lễ mang tính chất kỉ niệm, tưởng nhớ, ví dụ như ngày 20/11 là ngày để tất cả thế hệ học sinh cả nước tri ân đối với công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công lao của thương binh liệt sĩ – những người đã hi sinh máu xương, cuộc đời của mình để bảo vệ Tổ quốc… Lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và là sợi dây để gắn bó tình cảm giữa người với người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người đi ngược lại với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, có thái độ và hành động vô ơn, “ăn cháo đá bát”. Những hành vi này đều đáng bị lên án để họ có thể nhận thấy lỗi sai, từ đó thay đổi nhận thức, suy nghĩ một cách tích cực nhất.

Bài văn nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn

Bài văn nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn (Ảnh: Internet)

Bài văn nghị luận về lòng biết ơn 1

“Sống, trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ra những lời hát vô cùng ý nghĩa để

khuyên nhủ mỗi con người sống có ích hơn. Bên cạnh việc sống có ích, mỗi chúng ta cần sống với lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn.

Lòng biết ơn từ lâu đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam ta và được răn dạy, thể hiện qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khác nhau. Lòng biết ơn là sự cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình. Lòng biết ơn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như: người sau nhớ ơn công lao của thế hệ đi trước, con cái biết ơn cha mẹ, người được giúp đỡ mang ơn những mạnh thường quân,… lòng biết ơn luôn tồn tại trong cuộc sống này và lan tỏa vô cùng tốt đẹp.

Lòng biết ơn được biểu hiện bằng hành động thiết thực của con người. Chúng ta biết nói “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến bản thân mình tốt hơn. Bên cạnh đó, việc chúng ta giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với bất kì ai cũng là một cách lan tỏa thông điệp lòng biết ơn. Việc sống với lòng biết ơn mang lại những lợi ích và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người. Việc nhận ơn nghĩa từ người khác khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, vượt qua được những khó khăn trước mắt, hướng đến tương lai, giá trị bền vững, lâu dài. Mỗi con người sống với lòng biết ơn thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình cảm hơn và gắn bó với nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, lòng biết ơn giúp chúng ta rèn luyện những đức tính tốt đẹp khác, truyền tải những thông điệp tích cực ra xã hội.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người lạnh lùng vô ơn, nhận được sự giúp đỡ, ơn nghĩa của người khác nhưng ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đứng nhìn người khác gặp hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ. Lại có những người tuy có điều kiện nhưng lại khoanh tay đứng nhìn, không giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.

Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với lòng biết ơn, yêu thương và trân trọng mọi người để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Bài văn nghị luận về lòng biết ơn 2

Lòng biết ơn từ lâu đã là truyền thống quý báu nhất của nhân dân Việt Nam nói riêng và cả nhân loại nói chung. Xuất hiện trong ca dao, tục ngữ hay những bài thơ, câu chuyện kể,…, giá trị đạo đức tốt đẹp này đã đi sâu, gắn liền với cuộc sống.

Lòng biết ơn là sự ghi nhớ, cảm kích, trân trọng và báo đáp dành cho những người đã từng hỗ trợ, giúp đỡ mình. Trong cuộc sống, ai cũng ít nhất một lần nhận được sự giúp đỡ từ người xung quanh. Điều này giúp cuộc sống của ta bớt gian truân hơn, mọi khó khăn trở nên dễ chinh phục hơn. Vậy nên ta cần ghi nhớ, biết ơn họ.

Lòng biết ơn được thể hiện dưới nhiều dạng hình thức, từ suy nghĩ, lời nói đến hành động. Điều cốt yếu ở đây là ta cần thực sự đặt cái “tâm”, đặt sự chân thành vào việc báo đáp người khác chứ không nên làm qua loa, chống đối. Đó có thể đơn giản là lời cảm ơn khi có bạn cho mượn bút, có người qua đường nhắc ta đóng ba-lô,… Ngày nay, con người vẫn còn giữ truyền thống bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên qua việc cúng bái, lễ Tết. Hay rất nhiều ngày lễ được tổ chức để vinh danh, tri ân những tập thể, cộng đồng có công với xã hội như ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2,…

Lòng biết ơn mang đến rất nhiều ý nghĩa cho con người. Đây là một trong những đạo lí truyền thống, thể hiện rõ giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Nhờ đó mà con cháu đời sau biết ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của bao thế hệ cha anh. Lòng biết ơn còn được dùng để nhắc nhở con người về vai trò của quê hương, gia đình. Điều này giúp ta hoàn thiện bản thân, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, đó còn khiến cho các mối quan hệ bền chặt, thân thiết hơn mỗi ngày.

Trên thực tế, bên cạnh những con người chuẩn mực, luôn “biết trước biết sau” thì vẫn còn trường hợp sống vô ơn, bạc nghĩa. Những kẻ này sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà chà đạp lên người khác, phản bội lại người đã từng giúp đỡ, cưu mang mình. Đó là sự ích kỉ, tham lam, bất nghĩa, xứng đáng bị lên án, chê trách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội mà còn khiến chính bản thân kẻ đó trở nên lạc lõng, tách biệt với cộng đồng.

Việc rèn cho mình lối sống ơn nghĩa không chỉ giúp ta nhận được sự tôn trọng của người khác mà còn mang đến vô vàn điều ý nghĩa cho chính bản thân. Hãy sống một cách chuẩn mực như ông cha đã răn dạy: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Bài văn nghị luận về lòng biết ơn 3

Không phải tự nhiên mà Amburgh đã phải khẳng định chắc chắn rằng: “Không có kẻ nào bần cùng, thiếu thốn bằng những người không có lòng biết ơn”. Thế mới biết lòng biết ơn trong cuộc sống này có ý nghĩa biết nhường nào đối với mối quan hệ người – người.

Ngay từ khi sinh ra, nếu đã là con người thì ai cũng phải mang trong mình lòng biết ơn cha mẹ – đấng sinh thành đã cưu mang cho ta có mặt trên cuộc sống tươi đẹp này, cất công chăm sóc, nuôi dưỡng ta lớn khôn từng ngày, dạy ta cất tiếng nói đầu tiên, chập chững những bước đầu đời. Lớn lên khi đến trường, ta lại biết ơn thầy cô đã truyền đạt tri thức, dạy cho ta những bài học đạo lý làm người, dìu dắt ta trở thành con người có ích trong cuộc sống. Cuộc sống bình yên ngày hôm nay đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha, gợi nhắc ta niềm biết ơn. Cuộc sống thú vị với những thành tựu khoa học kĩ thuật, những sáng tạo nghệ thuật, đánh đổi bằng công sức lao động của bao người, gợi nhắc ta niềm biết ơn. Tất cả mọi thành quả trên đời không phải tự nhiên mà có, ta lại đang được thụ hưởng những thành quả ấy, lẽ nào ta không mảy may biết ơn một chút nào?

“Uống nước” phải nhớ về “nguồn”, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay. Thừa hưởng truyền thống đạo lý tốt đẹp đó, chúng ta cũng có những ngày kỉ niệm những công lao của những con người. Là con cháu Lạc Hồng, ai mà không nhớ đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương – dịp để con cháu người Việt Nam chúng ta đến thắp những nén hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, thành kính. Ngày 8 tháng 3, ngày Quốc tế Phụ nữ, ta nhớ đến những người bà, người mẹ, người chị, người phụ nữ thầm lặng mà cao đẹp. Tuổi học trò ngây thơ, trao cho cô một cánh hoa hồng nhân 20/11… Trong khi cả thế giới hướng về lòng biết ơn như một điều gì thiêng liêng, lẽ nào bản thân lại đi ngược lại những gì đã trở thành đạo lý, lại không mảy may biết ơn một chút nào?

Biết bao điều để ta đặt vào đó lòng biết ơn, với người đã nhắc mình quên chưa gạt chân chống xe, với người đã mang cho mình một niềm vui, một lời an ủi,… Có khi chỉ đơn giản như thế thôi, lòng biết ơn như một thứ xúc cảm nhẹ nhàng, một mối lâng lâng trong lòng không chỉ là sự cảm kích đơn thuần vì người ta đã

giúp đỡ mình mà còn là niềm vui khó tả rằng thì ra trên đời còn biết bao điều tốt, người tốt, là sự thúc giục bản thân cũng hãy giúp đỡ những người xung quanh, hãy làm một điều gì tốt đẹp để lòng thấy thỏa và thấy xứng đáng với niềm biết ơn kia. Sống với tấm lòng và trái tim luôn biết ơn người khác, đó là khởi nguồn nuôi dưỡng của biết bao đức tính tốt đẹp. Và biểu hiện cao nhất của lòng biết ơn là ở chỗ, không phải ngồi nhớ mãi hay tưởng niệm suông về những người đã giúp đỡ mình mà là tạo thêm cơ hội cho lòng biết ơn, nói cách khác là tạo ơn

thật nhiều. Tạo ơn cũng chẳng phải để người khác biết ơn mình, để được cảm kích, được biết đến mà cốt để biết ơn cuộc sống đã cho ta cơ hội tạo ơn và biết ơn…

Song nếu như con người không có lòng biết ơn, nếu như phải sống trong xã hội mà không ai mảy may nghĩ đến những điều tốt đã làm thì không chỉ đơn giản là sự bần cùng trong tâm hồn như Amburgh đã nói mà còn là sự lạnh lùng, vô cảm giữa xã hội người, sự kết nối mất chân thành của mối quan hệ người – người.

Nhưng thật đáng buồn khi càng ngày, cái “nếu như” ấy càng trở thành sự thật. Những con người “ăn cháo đá bát” không còn chỉ xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích như Lý Thông bội bạc Thạch Sanh nữa mà đã hóa đời thật, khiến ta giật mình trước những bài báo con giết cha để lấy tiền đi chơi, trước những hành động lật lọng vô tình đáng phê phán…

Lòng biết ơn, là câu chuyện của cảm xúc, của tình người hay là câu chuyện của làm người, của tính người?

Bài văn nghị luận về lòng biết ơn 4

Bài văn nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn (Ảnh: Internet)

“Đền ơn đáp nghĩa” vốn là một nghĩa cử đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Lòng biết ơn từ lâu đã được coi là một truyền thống đạo đức cần được gìn giữ và phát huy.

Ông cha ta xưa có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một lời nhắc nhở cho con cháu phải biết sống có trước có sau, biết ơn những người đã giúp đỡ mình.

Không phải tự nhiên mà chúng ta có được cuộc sống ấm no, đầy đủ như hiện tại. Đó là thành quả của nhiều người đã vất vả làm nên. Bố mẹ không quản khó khăn, chăm lo, nuôi dưỡng chúng ta nên người. Thầy cô ngày ngày đứng trên bục giảng, tận tâm truyền tải kiến thức tới học sinh… Và còn rất nhiều người đã và đang hy sinh thầm lặng, ngày đêm miệt mài lao động để đem lại cuộc sống yên bình, ấm no trên mảnh đất quê hương.

Là “người ăn quả” của ngày hôm nay, ta cần có ý thức bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được trở nên ngày một đơm hoa kết trái. Trong gia đình, ta cần làm tròn bổn phận là một người con: hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng ông bà, nhường nhịn các em nhỏ… Ở trường, bản thân cần phải là một học sinh gương mẫu, nỗ lực học tập để không phụ công ơn giảng dạy của thầy cô, chăm lo nuôi dưỡng của bố mẹ. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có ý thức rèn luyện bản thân sống có đạo đức, văn minh, tránh xa các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu vẫn đang còn tồn tại hiện nay. Làm được như vậy là ta đã thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp ta có được cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.

Thế hệ trẻ hôm nay là những chủ nhân tương lai của đất nước. Lòng biết ơn là đạo lý muôn đời, là những người tiếp nối các thế hệ đi trước, chúng ta cần có những hành động cụ thể để đạo lý này vẫn mãi được duy trì và truyền lại cho mai sau.

Download 30 mẫu nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn

Link download tại đây

Bạn thấy bài này thế nào?
Có 2 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Theo dõi bình luận
Thông báo về
Nhập email để nhận thông báo các bình luận mới nhất của bài viết...
Nhập email để nhận thông báo các bình luận mới nhất của bài viết...
1 Comment
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Share.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
wpDiscuz

Discover more from StarTV

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading

Exit mobile version