Blue is the warmest color ( La vie d’Adèle) với tựa Việt “Sắc xanh nồng ấm”- là một bộ phim Pháp được sản xuất và đạo diễn bởi Abdellatif Kechiche- người đứng sau hàng loạt thành công của La faute à Voltaire, Games of love and chance, The secret of the grain… Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Julia Maroh, Blue is the warmest color giữ vững cốt truyện đầy những cung bậc cảm xúc về chuyện tình giữa Adèle (Adèle Exarchopoulos) và Emma (Léa Seydoux).
Blue is the warmest color: Adèle
Blue is the warmest color theo chân Adèle, một nữ sinh 17 tuổi, cái tuổi chưa định hướng rõ ràng về bản thân, chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Bộ phim trải ra những phân cảnh đầu tiên với tính chất giới thiệu về cuộc sống thường nhật của Adèle. Sinh ra trong một gia đình tầm trung, Adèle xuất hiện thường xuyên với món Pasta, một loại đồ ăn bình dân và rất phổ biến ở Pháp. Cô cũng không ăn diện mà luôn chiếm trọn khung hình với mái tóc rối, buộc nửa vời trên đỉnh đầu. Hơn 10 phút đầu là những khung cảnh thường ngày của Adèle, đi học, đi xe buýt, nói chuyện phiếm với bạn bè. Adèle xuất hiện cùng với những giai điệu trầm lắng, thưa thớt, chủ yếu bị hoà lẫn với tiếng nói của đường phố, của xe cộ… Được cậu bạn hot boy Thomas để ý và sau vài lần trò chuyện, Adèle có buổi hẹn hò đầu tiên. Cũng chính con đường đến gặp Thomas, Adèle chạm mặt Emma lần đầu khi băng qua đường. Góc quay lộn xộn hơn, cùng với tiếng nhạc có chút dồn dập khiến phân cảnh ngắn ngủi đó hằn sâu trong kí ức của cô nữ sinh. Sau cùng, Adèle cũng không cảm thấy có thể tiến xa với Thomas. Adèle như luôn tìm kiếm một điều gì đó để lấp đầy khoảng trống của nỗi cô đơn và lạc lõng giữa bậc thang để trở thành người lớn.
Blue is the warmest color: Emma
Góc nhìn người xem được cung cấp về cuộc sống của Adele càng rõ thì thông tin ta biết về nửa kia Emma lại càng khan hiếm. Là sinh viên Mỹ thuật năm 4, Emma toả ra khí chất nghệ thuật ngay từ những phân cảnh đầu tiên. Mái tóc xanh lam đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, cười nói ung dung trái ngược hoàn toàn với gam màu lạnh của Adèle. Emma vui vẻ tươi cười trên phố, đi bảo tàng thưởng thức nghệ thuật, ban đêm ghé vào các quán bar. Vài phân đoạn cũng khiến người xem dễ nhận ra mỗi ngày của Emma trôi qua rất mới mẻ với nhiều địa điểm, gặp gỡ nhiều người khác nhau.
Chương I
Mỗi lần Adèle trò chuyện với Emma, màu sắc dường như ấm nóng hơn. Lần đầu là ánh mặt trời, lần thứ hai là ánh đèn vàng của quán ba, rồi tới gốc cây nơi Emma vẽ chân dung cô dưới nắng chiều.
Mạch phim cứ thế trôi theo câu chuyện nhẹ nhàng của hai cô gái. Adèle nếm trải hương vị của tình đầu, trải qua những khoảnh khắc đẹp nhất cùng Emma. Emma sau bao lâu cũng tìm lại sự rạo rực, phát hiện nguồn cảm hứng sâu sắc nơi Adèle.
Chương II
Qua từng phân cảnh, ta hiểu rõ hơn về lối suy nghĩ, cách yêu của Emma và Adèle. Adèle tới ăn tối cùng gia đình Emma, ta thấy rõ sự cởi mở, tiến bộ trong tư tưởng của họ. Họ trò chuyện về tự do, về nghệ thuật. Khi tường nhà Emma treo đầy những bức tranh trừu tượng, sở thích ăn hàu sống hay không ăn da khi ăn thịt thì bữa tối tại nhà Adèle lại có hơi nặng nề về cuộc sống công việc. Hai cô gái với hai cuộc sống gần như đối lập, cũng bởi cái đối lập mà hút nhau, rồi trở thành lý do tách biệt nhau. Dù chỉ điểm xuyết rất nhỏ và rải rác nhưng ta dần hiểu ra khoảng cách vô hình giữa hai người.
Ba mẹ Adèle biết tới Emma với tư cách người dạy triết học cho con gái mình, và cũng có quan điểm rằng ngành Mỹ thuật của Emma sau này sẽ khó tồn tại ngoài xã hội kia. Phân nửa sau của phim, ta dễ nhận ra mái tóc của Emma đã chuyển sang vàng. Đây cũng là khi dấu mốc “tương lai” mà cả Emma lẫn Adèle vừa trông chờ vừa lo lắng đã tới. Khi Emma đang vùng vẫy ngoài kia với mong muốn vươn xa hơn thì Adèle thiên về sự ổn định với công việc giáo viên mầm non. Dù có khả năng viết lách tốt và sự động viên phát triển bản thân của Emma thì Adèle không cho đó là vấn đề quá cần chú tâm. Những bữa tiệc mừng cho các tác phẩm của Emma, Adèle như lạc vào thế giới mà cô không hề thuộc về. Hạnh phúc với Emma là một sự nghiệp không ngừng đi lên, gặp gỡ những người tài giỏi, trong khi đó Adèle coi niềm vui đơn giản chỉ là được yêu Emma, được ở cạnh cô. Adèle cũng chính vì coi Emma là tất cả, nên khi Emma quá chú tâm vào công việc mà phớt lờ mình, cô như không chấp nhận được thực tại. Adèle tìm đến khoái cảm xác thịt với một người đồng nghiệp để vơi bớt cô đơn, để tránh sự suy sụp đang đợi chờ cô phía trước. Khi mọi thứ vỡ lở, Adèle rõ ràng là người làm sai, nhưng đồng thời lại vô cùng đáng thương. Cô mới chớm 20, yêu sự yên bình và cái giản dị của cuộc sống, nhưng lại đem lòng yêu hết mình “mái tóc xanh nồng ấm” với hình bóng băng qua đường, Adèle kẹt lại trong sự trống rỗng.
Đối với Emma, Adèle là nàng thơ, là tuổi trẻ, nhưng tình yêu của của cô dành cho Adèle buồn thay rất cần một sự thay đổi từ đối phương?. Cuộc nói chuyện ban đầu của hai người cũng luôn đi theo lối: Adèle loay hoay khám phá giới tính, khoái cảm còn Emma là tò mò thú vị. Emma là niềm vui đầu tiên và cũng ám ảnh nhất với Adèle, còn Adèle có lẽ dừng lại ở quá khứ “xanh” nồng ấm của Emma. Khi tuổi trẻ kết thúc, Adèle đối với Emma không còn phù hợp với màu sắc vốn dĩ đã “hết xanh” của mình. Không còn cạnh Emma nữa, Adèle suy sụp. Cô ngủ lại trên chiếc ghế mà Emma đã từng vẽ mình, khóc không vì một lí do nào cả…
Kết thúc
Buổi triển lãm đầu tiên của Emma, Adèle xuất hiện với chiếc váy xanh dương, mái tóc buông hờ. Vẫn những người cô đã gặp trước đây nhưng lại ở tình huống khác, khi trong tay Emma giờ là một hoạ sĩ, một người cùng tần số hơn với cô. Adèle dù là nàng thơ trong những bức tranh kia, nhưng tâm hồn cô không còn ở đó nữa. Những cuộc nói chuyện cô không thuộc về. Adèle rời khỏi triển lãm với khung máy mở rộng toàn cảnh. Chẳng ai biết cô sẽ đi đâu. Có thể là New York nơi cô từng ước ao được đặt chân tới, cũng có thể là đơn giản về nhà. Nhưng ta có thể phần nào tin rằng Adèle đã có thể để Emma bước ra khỏi cuộc sống của mình.
Phần lớn các góc máy trong phim đều đặt rất cận cảnh gương mặt của các nhân vật, dù chỉ là cái chớp mắt cũng có thể lộ rõ, mang lại cảm giác vừa thực vừa ảo. Đạo diễn Abdellatif Kechiche trên thực tế chỉ để hai diễn viên chính đọc kịch bản một lần duy nhất và họ gần như phải tự xây dựng nhân vật của mình, có lẽ bởi vậy mà diễn biến câu chuyện của cả hai phát triển một cách tự nhiên hơn, trần trụi hơn.
Điểm sáng nhất của Blue is the warmest color chắc chắn phải kể đến diễn xuất chân thực của Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux. Dù khi bấm máy Exarchopoulos chỉ mới 19 tuổi nhưng nét diễn xuất mộc mạc và giằng xé nội tâm đã khiến câu chuyện của Adèle trở nên khó quên. Đôi mắt sâu hút cùng với khuôn miệng cười trong trẻo, Exarchopoulos thổi hồn vào nhân vật của mình cái ngây dại của tuổi 17, cái liều lĩnh mà tuổi trẻ sở hữu nhưng đồng thời lại rất đời thường như ta có thể dễ bắt gặp ở bất cứ đâu. Chính màn hoá thân xuất sắc này đã mang về cho nữ diễn viên Giải César đầu tiên trong sự nghiệp. Léa Seydoux có thể nói đã có một màn lột xác rất ấn tượng qua Emma. Rũ bỏ các vai diễn kiêu sa, nữ tính trước đây, Emma của Léa Seydoux có một tạo hình khó lẫn, với mái tóc xanh, chiếc áo jean, phong thái ung dung tự tại. Emma vừa toát lên sự lạnh lùng bí ẩn, vừa rất thân thiện dễ gần. Chia sẻ về vai diễn, Léa Seydoux cho rằng hoá thân thành Emma chính là cách cô khám phá phần “nam tính” trong mình, thể hiện và phát triển nó qua tâm lý của một nghệ sĩ trẻ đầy tham vọng.
Gần 10 năm kể từ ngày đầu tiên ra mắt tại Liên hoan phim Cannes, Blue is the warmest color vẫn giữ vững cho mình một vị trí sâu sắc không chỉ trong lòng giới mộ điệu mà còn với những khán giả nặng lòng với chuyện tình giữa Adèle và Emma. Tạm gác lại những phân cảnh táo bạo gây tranh cãi, phim vẫn là một bài học sâu sắc về tình yêu, về sự cho đi, sự hy sinh cần có trong một mối quan hệ. Yêu là đáng quý nhưng duy trì nó ra sao lại là một bài học ta cần phải luôn trau dồi và rút kinh nghiệm.
Trailer chính thức của bộ phim:
https://www.youtube.com/watch?v=EO0abB6gJ
Các bạn ơi, hãy cho mình biết cảm nhận của mình về bài viết này nhé!